1. Sán dây lợn là gì?
Sán dây lợn là loài sán dây có tên khoa học là Taenia solium. Người có thể nhiễm sán nếu ăn phải thịt lợn nhiễm ấu trùng sán còn sống, hoặc ăn rau sống, uống nước, thực phẩm bẩn có trứng sán còn sống.
Một đoạn cơ thể sán dây lợn
(Nguồn: Bộ môn Ký sinh trùng và Côn trùng, Học viện Quân y)
2. Sán dây lợn có thể tồn tại những dạng nào trong cơ thể người?
Người có thể nhiễm con trưởng thành hoặc ấu trùng của sán dây lợn.
3. Sán dây lợn trưởng thành và ấu trúng sán sống ở đâu trong cơ thể người?
– Sán dây lợn trưởng thành sống ở đường tiêu hóa của người.
– Ấu trúng sán dây lợn sống trong các tổ chức mô của cơ thể: não, gan, cơ…
4. Sán dây lợn xâm nhập vào cơ thể người bằng cách nào?
– Thứ nhất, do người ăn phải thịt lợn có nang ấu trùng sán dây lợn còn sống (ăn tiết canh, nem chua, thịt chua…). Trong trường hợp này người nhiễm sán dây lợn trưởng thành ở đường tiêu hóa.
– Thứ hai, do người ăn phải trứng sán còn sống nhiễm trong rau quả, nước uống, thực phẩm bị nhiễm bẩn. Trong trường hợp này người nhiễm ấu trùng sán ở các tổ chức mô của cơ thể (trong não, gan, cơ…).
5. Bệnh sán dây lợn có nguy hiểm không?
– Nếu bệnh nhân bị nhiễm sán trưởng thành ở đường tiêu hóa, sán sẽ chiếm đoạt chất dinh dưỡng của cơ thể và tác động lên đường tiêu hóa gây ra rối loạn tiêu hóa.
– Nếu bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng sán, do ấu trùng có thể ký sinh ở bất cứ vị trí nào của cơ thể nên tùy vị trí ký sinh có thể gây biểu hiện bệnh khác nhau từ không nguy hiểm gì tới gây tàn phế, tử vong (ký sinh ở mắt gây giảm thị lực, mù; ký sinh ở não gây động kinh, liệt, tử vong).
6. Bằng cách nào để biết một người bị nhiễm bệnh do sán dây lợn?
– Phát hiện người nhiễm sán dây lợn trưởng thành: bằng cách xét nghiệm tìm đốt sán già trong phân.
– Phát hiện người nhiễm ấu trùng sán dây lợn: tiêu chuẩn vàng là tìm thấy ấu trùng sán trong cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ tìm thấy ấu trùng là rất thấp hoặc rất khó tìm thấy ấu trùng do không thể sinh thiết đúng vị trí ấu trùng ký sinh, nhất là khi chúng ký sinh trong các tổ chức sâu của cơ thể như não, phủ tạng. Do vậy, để chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn cần phải dựa vào đồng thời nhiều yếu tố như triệu chứng lâm sàng, kết quả chụp X-Quang, CT-scaner, MRI, xét nghiệm ELISA máu tìm kháng thể kháng sán dây lợn, xét nghiệm công thức máu…
7. Xét nghiệm ELISA là gì?
Là xét nghiệm tìm kháng thể của cơ thể con người chống lại sán dây lợn.
8. Việc làm xét nghiệm ELISA có cần thiết không?
Xét nghiệm ELISA không cho biết chắc chắn có phải một người đang nhiễm sán dây lợn hay không mà xét nghiệm này chỉ mang tính bổ trợ cho các xét nghiệm khác. Bởi vì, xét nghiệm ELISA có độ nhạy không cao, tức là dương tính nhưng không đồng nghĩa với nhiễm sán. Các loài gian sán chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng kháng nguyên khiến cho xét nghiệm loại này nhưng lại dương tính với loài khác. Do vậy, người ta phải tiến hành nhiều xét nghiệm khác nhau để phân biệt bệnh do sán lợn với các bệnh do ký sinh trùng khác. Xét nghiệm ELISA chỉ thực sự cần thiết với những trường hợp nghi ngờ nhiễm nang sán.
9. Nhiễm sán dây lợn thì điều trị thế nào?
– Trong trường hợp nhiễm sán trưởng thành: có thể dùng liều duy nhất thuốc praziquantel hoặc niclosamide.
– Trường hợp nhiễm ấu trùng sán dây lợn: việc điều trị dài hơn với các thuốc praziquantel hoặc albenzadole.
Người nhiễm sán dây lợn cần thới cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị triệt để với đúng phác đồ.
10. Làm thể nào để không bị nhiễm sán dây lợn?
– Không ăn thịt lợn có nang ấu trùng còn sống (lợn gạo) sẽ không nhiễm sán trưởng thành. Do đó, để phòng chống nhiễm sán dây lợn hiệu quả, không đưa lợn gạo vào sử dụng và không ăn thịt lợn chưa nấu chín.
– Không ăn phải trứng sán còn sống sẽ không nhiễm nang. Trứng sán thường có trong rau quả xanh, nước uống, thực phẩm nhiễm bẩn. Do đó, thực hiện ăn chín, uống sôi, che đạy thức ăn để không bị nhiễm bẩn sẽ không có nguy cơ bị nhiễm nang ấu trùng sán dây lợn.
Bài viết ngắn gọn và rất dễ hiểu. Cảm ơn bác sĩ!
Dù vẫn đề không còn hót như dịp trước nhưng đọc bài vẫn thấy rất cần thiết. Cảm ơn bác sĩ