MẮC BỆNH DO QUÁ SẠCH VÀ CHỮA BỆNH BẰNG GIUN

0
966

Trong sinh học, ký sinh trùng là những sinh vật dựa vào sinh vật khác để có thức ăn hoặc chỗ cư trú.

Một số nhà khoa học tin rằng, phương pháp tiếp cận tận gốc để giữ sức khỏe là “tái tạo tự nhiên cho cơ thể chúng ta” (re-wilding our bodies). Theo như “giả thuyết vệ sinh” (hygiene hypothesis), nuốt các giun ký sinh vào bụng và để chúng sống ở đó có thể là cách thức điều trị một loạt bệnh dịch của thời hiện đại như đái tháo đường, bệnh đại tràng tự miễn Crohn, hen xuyễn, và kể cả đột quỵ tim.

Ý tưởng về phương pháp điều trị này dựa trên giả thiết rằng chúng ta đang sống quá sạch, sạch tới mức không tốt cho sức khỏe. Điều đó làm cho hệ miễn dịch trở nên mất định hướng và phản ứng quá mức cần thiết đối với các chất thông thường không gây hại, chẳng hạn như bụi nhà. Hậu quả là gây ra các bệnh liên quan tới yếu tố tự miễn dịch như hen phế quản, bệnh Crohn và viêm khớp dạng thấp.

Có nhiều bằng chứng ủng hộ giả thuyết trên. Ví dụ như một nghiên cứu trên các trẻ em cho thấy nếu trẻ sử dụng thuốc khác sinh thì khả năng bị hen tăng lên 70%. Thuốc kháng sinh tiêu diệt các loại vi khuẩn, cả tốt và xấu, làm cho hệ miễn dịch đang hoàn thiện của trẻ mất cơ sở để phát triển. Khi còn nhỏ, hệ miễn dịch cần làm quen với các vi khuẩn thông thường để học cách nhận diện và bỏ qua các yếu tố không có hại. Nếu vi khuẩn vắng mặt do quá sạch, hệ miễn dịch không có “kinh nghiệm” xử lý và có thể phản ứng quá mức với sự xuất hiện ở mức độ vô hại của vi khuẩn.

Cũng với lập luận tương tự, một số nhà khoa học cho rằng tổ tiên của chúng ta được thiết kế để nuốt vào các loại bọ ở trong rừng và sống trong điều kiện thiếu vệ sinh. Để duy trì trạng thái tự nhiên đó, chúng ta có thể để cho giun sán tồn tại trong ruột.

Những điều trên nghe có vẻ lạ lẫm, ghê sợ… nhưng các nhà khoa học nhiều nơi trên thế giới lại rất nghiêm túc về những thứ đó.

Chúng ta có nguồn gốc từ tự nhiên, và nay chúng ta sống trong điều kiện không còn tự nhiên nữa. Cơ thể chúng ta vẫn tiếp tục tìm kiếm những người bạn đồng hành với chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là các loài ký sinh trùng. Và ở phương Tây, con người mới chỉ bắt đầu sống mà không có quan hệ gì với ký sinh trùng từ đầu thế kỷ XX.

Những bệnh dịch trước đây, chẳng hạn như bệnh tả đã biến mất ở các nước phát triển. Thế chỗ vào đó là các dịch bệnh khác như viêm đại tràng, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường và đa xơ cứng (sclerosis).

Vào những năm 1930s, bệnh Crohn rất hiếm gặp. Nhưng từ thập niên 1950s đến giữa 1980s, tỷ lệ bệnh này tăng lên nhanh chóng. Các khảo sát cho thấy mức độ phổ biến của bệnh Crohn khi mà tỷ lệ nhiễm giun ngày càng giảm và trở nên hiếm gặp. Có người cho rằng sự thiếu vắng giun trong ruột là yếu tố làm cho ruột tự gây tổn thương và dẫn đến bệnh Crohn.
Thí nghiệm trên chuột cho thấy khi đưa giun vào ruột thì chuột không còn bị bệnh ruột kích thích nữa. Thử nghiệm tương tự trên người cũng được tiến hành. Theo đó, bệnh nhân Crohn được cho nuốt trứng giun tóc (whipworm) của lợn. Giun của lợn tuy không giao phối trong ruột người và tăng sinh, nhưng sự hiện diện của chúng gợi nhớ và nhắc ruột của bệnh nhân phản ứng. Kết quả là phần lớn bệnh nhân (28/29) thuyên giảm bệnh, chỉ 1 người không thay đổi gì. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự.

Các nghiên cứu còn cho thấy giun làm mức đường máu trở về bình thường, giảm tiến triển bệnh tim và cải thiện triệu chứng bệnh đa xơ cứng.

Vậy tại sao nhiễm giun lại có tác dụng như vậy.

Có giả thuyết rằng, qua hang nghìn năm, hệ miễn dịch của chúng ta đã quen đối phó với giun. Khi không còn giun nữa, hệ miễn dịch hoạt động “hoang dại” do không có gì để đối phó nữa.

Một giả thuyết khác cho rằng giun tạo ra các chất có tác dụng ức chế hệ miễn dịch. Qua tiến hóa, hệ miễn dịch đã quen với các chất ức chế đó. Nói theo cách khác, các yếu tố ức chế miễn dịch của giun là điều kiện bình thường cho hệ miễn dịch hoạt động.

Cũng có thể hệ miễn dịch phản ứng quá mức cần thiết. Nếu không có giun để chia sẻ phản ứng, sự phản ứng quá mức có thể gây ra các bệnh khác.

Mặc dầu vậy, ý tưởng ăn giun để chữa bệnh có nhiều khó khăn.

Thứ nhất là một số nghiên cứu không cho ra kết quả khả quan.

Thứ hai là những tác dụng không mong muốn do giun có rất nhiều, đôi khi nghiêm trọng.

Để khắc phục những khó khan trên, có hướng nghiên cứu tách chiết thành phần “hoạt tính” từ giun để trị bệnh.

Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có những loại thuốc nguồn gốc từ giun để điều trị các bệnh mang tính chất dị ứng ở người,

BS. Lê Quốc Tuấn, Bộ môn Ký sinh trùng và Côn trùng, Học viện Quân y.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here